-
1. Mỗi đứa trẻ đều có một tiềm năng, nhưng “nếu chúng ta đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ dành cả cuộc đời để tin rằng mình là đứa ngu đần” (Albert Einstein). Vì thế, trường học không nên là nơi áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc lên trẻ mà cần là một môi trường đa dạng hài hòa nơi trẻ được khám phá chính mình, nơi những tố chất riêng biệt của trẻ được tôn trọng và được trao đầy đủ cơ hội để nảy nở và phát triển.
-
2. Cách dạy trẻ tốt nhất là học cùng trẻ. Thực tế, người lớn chúng ta chỉ có thể dạy cho trẻ những điều đã biết, những gì thuộc về quá khứ và hiện tại. Nhưng thế giới còn vô vàn những điều ta chưa biết và tương lai sẽ được tạo nên bởi những điều chưa biết đó. Do đó, trẻ không phải là những chiếc bình rỗng để chúng ta lấp đầy kiến thức hạn hẹp của mình vào đó, mà cần được nhìn nhận như một con người với những suy nghĩ độc đáo, với năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng vô tận. Tôn trọng trẻ và trân trọng những suy nghĩ “ngoài khuôn mẫu” của trẻ thơ chính là cách để ta học cùng trẻ và cùng con mở ra cánh cửa đến những điều chưa biết.
-
3. Điều quan trọng không phải là tốt nhất, mà là tốt hơn mỗi ngày. Trẻ thơ cần được trao niềm tin vào bản thân mình, rằng cho dù các con chưa phải là những con người hoàn hảo nhất, nhưng các con đã, đang và sẽ tốt hơn mỗi ngày. Tương tự, chúng tôi không đặt mục tiêu là trở thành ngôi trường tốt nhất hay hoàn hảo nhất. Vì chúng tôi hiểu rằng giáo dục là một hành trình dài, đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam, việc theo đuổi hành trình làm giáo dục tử tế lại càng đòi hỏi sự kiên nhẫn và “vượt khó”. Thay vào đó, mục tiêu của chúng tôi là phải luôn tốt hơn chính mình và tốt hơn mỗi ngày trong những việc mình làm.
-
4. “Cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ”/ “It takes a village to raise a child”. (Ngạn ngữ châu Phi). Việc nuôi dạy một đứa trẻ thành người không chỉ là nghĩa vụ của riêng những người sinh ra trẻ hay của trường học mà cần sự chung tay của mọi mắt xích quan trọng xung quanh trẻ, của cả cộng đồng. Vì thế, chúng tôi coi trọng việc gắn kết chặt chẽ giữa gia đình- nhà trường – xã hội trong mọi hoạt động của mình, Chúng tôi cũng xem việc tham gia giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng là một trách nhiệm đương nhiên của mình với vai trò người làm giáo dục.